Để ứng phó với thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, mỗi người cần nâng cao trách nhiệm của bản thân và chủ động chăm sóc sức khỏe để phòng ngừa các nguy cơ gây hại từ môi trường.
Bệnh tật sinh sôi từ thực trạng ô nhiễm không khí
Trong nửa đầu năm 2024, hệ thống theo dõi chất lượng không khí IQAir đã ghi nhận Hà Nội nhiều lần chìm trong bầu không khí trắng đục như sương mù. Theo các chuyên gia khí tượng, chất lượng không khí xấu, kết hợp với bụi mịn và hơi nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Trong bối cảnh đó, sức khỏe của người dân ngày càng bị đe dọa, đặc biệt là nhóm đối tượng mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và trẻ nhỏ. Các hạt bụi mịn trong không khí có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra một số bệnh lý nguy hiểm như: đột quỵ, tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm còn làm trầm trọng các vấn đề ngoài da, giảm khả năng đáp ứng điều trị và dễ tái phát một số bệnh da liễu. Nhiều nhất là tình trạng viêm da dị ứng, mề đay, viêm da cơ địa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 60.000 người chết liên quan đến không khí ô nhiễm ở Việt Nam. Tại các cơ sở y tế, số lượng bệnh nhân tăng cao hơn vào thời điểm giao mùa hoặc trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức cao.
Chi tiền "lọc không khí" chỉ là giải pháp tạm thời
Ô nhiễm không khí ngày càng tác động tiêu cực đến sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó với tình trạng này, phần lớn người dân đều sử dụng khẩu trang che chắn khi ra ngoài đường. Số ít có điều kiện lựa chọn đầu tư máy lọc không khí cho gia đình. Tuy nhiên, đây đều chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời.
Chị N.T.H (36 tuổi - Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình mua máy lọc không khí nhưng chỉ có thể sử dụng vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần. Ban ngày đi làm thì vẫn thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Đặc biệt là vào giờ cao điểm, khói bụi thải ra từ lượng lớn xe cộ khiến không khí trở nên ngột ngạt, khó thở".
Thêm vào đó, không phải tất cả các loại khẩu trang trên thị trường đều có chức năng ngăn ngừa bụi mịn. Một số loại khẩu trang chuyên dụng được bày bán với mức chi phí cao hơn khẩu trang thông thường. Vì thế mà khẩu trang phòng bụi mịn không phải là lựa chọn hàng đầu của người dân.
Để bảo vệ sức khỏe trước các ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, người dân cần chủ động các phương pháp dự phòng sức khỏe, đồng thời có trách nhiệm trong việc gìn giữ môi trường sống. Từ góc độ xã hội, việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi những hành động mang tính lâu dài và có sự điều phối của chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, cá nhân mỗi người có thể bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen hàng ngày để chung tay để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống.
Chủ động bảo vệ sức khỏe trước các tác nhân gây hại bên ngoài
Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người dân nên hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Điều này giúp giảm thiểu phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến từ các tác nhân bên ngoài môi trường, trong đó có bụi mịn. Bên cạnh đó, trong gia đình cần tránh khói từ bếp than, bếp củi, từ người hút thuốc lá, thuốc lào trong phòng kín, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên.
Mỗi người cần xây dựng nền tảng sức khỏe tốt bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích, hạn chế rượu bia và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Cơ thể có đủ sức đề kháng sẽ phòng ngừa được các yếu tố gây hại, đồng thời giảm khả năng ảnh hưởng của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị nếu không may mắc bệnh.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người mắc các vấn đề về hô hấp nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, nếu như không thật sự cần thiết. Ngoài ra, mỗi người có thể chủ động kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân thông qua việc thăm khám định kỳ. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, ngay cả khi không có triệu chứng gì. Nhờ vậy, việc điều trị trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.